Tổng quan Bảo_tồn_loài_hổ

Số lượng

Bài chi tiết: Hổ

Loài hổ một thời đi lang thang xuyên suốt khu vực Châu Á đến tận Siberia[2], hổ có chín phân loài khác nhau, chúng sinh sống suốt từ Đông Pakistan, khắp vùng Đông Nam Á, cho đến các khu rừng Bắc Siberia, số lượng của chúng ước tính đến thế kỷ 19 (vào những năm 1900) là 10.000 con trên toàn thế giới[3]. Nhưng loài hổ hiện nay đang bị đe dọa do nạn săn bắt và buôn bán trái phép, quần thể hổ hoang dã còn bị suy giảm do mất môi trường sống và suy giảm nguồn thức ăn. Số lượng loài hổ hoang dã trên toàn cầu đã bị suy giảm nhanh chóng với một số phân loài đã bị tuyệt chủng. Trong số 9 phân loài của hổ, có 4 phân loài đã biến mất vào thế kỷ 20, đó là các loài hổ Java, hổ Bali, hổ Hoa Nam và hổ Caspi[4].

Trên thế giới hiện nay, tổng số cá thể hổ trong tự nhiên chỉ khoảng từ 3.000-3.500 conMột con hổ tại vườn bách thú tại Anh

Về số lượng các loài hổ còn tồn tại trên thế giới, có nhiều con số thống kê ước tính khác nhau, dao động từ khoảng 3.000 đến dưới 4.000 con hổ được cho là còn sống trong tự nhiên và so với trước đây là 10.000 cá thể. Ngày nay, hổ chỉ còn tồn tại rải rác trên khoảng 7% lãnh thổ mà trước kia chúng từng sống:

  • Theo Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế (ITC), chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã trên toàn cầu, trong đó được phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, tổ chức này cho biết, trong 15 năm qua, quần thể hổ ở những quốc gia có hổ phân bố đã giảm đi nhanh chóng, từ 10.000 cá thể xuống còn 3.500 cá thể như hiện nay[5].
  • Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vào năm 2010, hiện nay chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn sống trên hành tinh, Số lượng hổ giảm tới 95% trong vòng một thế kỷ qua, WWF đưa hổ vào vị trí hàng đầu trong danh sách những loài động vật bị đe dọa[6].
  • Theo báo cáo thống kê tại Hội nghị Thượng đỉnh về hổ năm 2010 tại Nga cho biết trên thế giới tổng số hổ hiện còn trong hoang dã được thống kê là 3.200 con. Cách đây một thế kỷ số này là 100 ngàn con[3][7]. Ngoài Nga, có 12 quốc gia còn có số hổ hoang dã khá mỏng gồm Bangladesh, Bhutan, Kampuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Nepal, Thái Lan và Việt Nam[3].
  • Theo Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS, Mỹ) và Đại học Cambridge (Anh), số lượng hổ trên thế giới hiện còn chưa đầy 3.500 con, trong đó chỉ có khoảng 1.000 hổ cái trưởng thành, cũng theo hiệp hội này, hổ là loài nguy cấp do bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắn trộm, phá hủy môi trường sống và khan hiếm thức ăn[8].
  • Theo Tổ chức bảo tồn PantheraCác chương trình châu Á của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên hiện nay số lượng hổ trong tự nhiên chỉ còn khoảng gần 3.000 con, trong khi cách đây một thế kỷ khoảng 100.000 con hổ trên thế giới[9].
  • Theo Cơ quan điều tra Môi trường (EIA) tại London, chỉ còn lại chưa đến 4.000 con hổ tồn tại trong tự nhiên, trong khi săn bắt trộm tại Ấn Độ đang ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua[10].
  • Theo thông tin của Giám đốc về loài của WWF-Greater Me Kong thì số lượng hổ còn lại tại 13 quốc gia có hổ thì đến năm 2015 chỉ còn 3.890 con[11].
  • Theo công bố tại Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF) diễn ra ở New Delhi của Ấn Độ vào tháng 4 năm 2016, số lượng cá thể hổ còn sống trên khắp thế giới hiện nay là 3.890 con[12].

Các nhà bảo vệ môi trường cho biết chỉ còn vài ngàn con hổ sống ở nơi hoang dã, khó có thể hy vọng đến năm 2022, số lượng hổ toàn cầu đạt trên 6.000 cá thể. Số đang bị nhốt giữ nhiều hơn số này rất nhiều. Quỹ WWF cho rằng nếu không có hành động thì đến năm 2022 sẽ không còn một con hổ hoang nào cả[2]. Hổ đã tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên tại Campuchia, Lào và Việt Nam[1], trong khi chỉ còn lại khoảng 50 con tại Trung Quốc.

Hàng nghìn con khác được cho rằng bị bắt giữ trên khắp Đông Nam Á. Khoảng 5.000–6.000 bị nhốt trong khoảng 200 trung tâm nuôi giống tại Trung Quốc. Trong khi chỉ còn chưa tới 4.000 con tồn tại trong tự nhiên, kém xa số lượng bị nuôi nhốt trong các trang trại, sở thú. Các bộ phận cơ thể của khoảng 1.600 cá thể hổ đã bị các nước châu Á bắt giữ trong giai đoạn 2000-2014. Rất khó để biết được đâu là bộ phận cơ thể hổ hoang dã, đâu là từ hổ nuôi nhốt, nhưng không thể tất cả đều là hổ hoang dã.

Nuôi nhốt

Một con hổ được nuôi nhốtMột con hổ nuôi nhốt ở Mỹ

Hiện có hơn 5.000 con hổ đang bị nuôi nhốt tại Trung Quốc và khoảng 1.450 con tại Thái Lan, 400 con tại Lào (nuôi hổ tại Lào rồi chuyển qua Nghệ An). Ngoài ra, còn có nhiều vườn thú tư nhân và những cá nhân tự nuôi hổ tại các nước, chủ yếu tập trung tại châu Á. Trong thập kỷ qua, hoạt động nuôi nhốt hổ đã phát triển nhanh chóng và là một ngành có lợi nhuận cao, núp dưới vỏ bọc bảo tồn. Sự tồn tại của những trại như vậy đang làm gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ cũng như các loại thuốc đông y cổ truyền của Trung Quốc, gây nguy hại cho số ít những cá thể hổ hoang dã còn lại.

Các trại nuôi đang phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô, trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường đối với xương và các bộ phận cơ thể hổ tăng nhanh, trong khi lượng hổ trong tự nhiên giảm mạnh. Chủ các trại thường tuyên bố họ đang nâng cao nhận thức của mọi người về tình cảnh của hổ, và nói rằng những con vật được nuôi nhốt sẽ được đưa trở lại tự nhiên. Những cơ sở nuôi hổ đó chỉ vì lợi nhuận, và hầu hết bị tình nghi liên quan đến hoạt động mua bán phi pháp các bộ phận cơ thể hổ. Những nơi như vậy cất trữ lượng lớn các bộ phận cơ thể hổ trong các kho đông lạnh. Những nơi được xem là bảo tồn hổ lại đang bí mật bán các bộ phận cơ thể của chúng ra chợ đen để thu lợi lớn.

Nhiều chủ trang trại nuôi hổ có liên quan trực tiếp đến việc cung cấp hổ cho đường dây buôn bán hổ trái phép, nhiều trại hổ khác bị tình nghi là có liên quan đến các hoạt động trái phép liên quan đến hổ. Rất nhiều trong số hàng trăm bộ phận cơ thể hổ bị thu giữ tại châu Á từ những con vật nuôi nhốt, nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, cho biết các biện pháp được triển khai để ngăn chặn những hoạt động buôn bán phi pháp. Bất chấp các lệnh cấm được quốc tế áp đặt đối với hoạt động buôn bán này, những tuyến biên giới lỏng lẻo giữa Thái Lan, Myanmar, Lào và Trung Quốc giúp những kẻ buôn lậu dễ dàng tuồn các loài động vật. Một khi các bộ phận cơ thể hổ được đưa tới Trung Quốc, món lợi những kẻ buôn bán thu được là rất lớn.

Bất chấp một hiệp ước quốc tế được ký năm 2007, cấm việc nuôi hổ để lấy các bộ phận buôn bán và trang trại nuôi hổ phải bị đóng cửa, thực tế lại đang diễn ra theo chiều ngược lại. Hoạt động buôn bán các bộ phận cơ thể hổ nuôi nhốt vẫn gia tăng, trong khi nhu cầu trên chợ đen đối với hổ hoang dã ngày càng cao lên[13]. Hơn 5.000 con hổ đang sống trong các chuồng cọp tại các "trang trại hổ" ở Trung Quốc. Việc mua bán các bộ phận cơ thể của hổ bị cấm trên toàn thế giới, nhưng những chủ sở hữu các "trang trại" này không đóng cửa trang trại với hy vọng lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ[14].

Các trại nuôi hổ không giúp ích gì cho việc bảo tồn hổ hoang dã mà việc buôn bán các sản phẩm dù hợp pháp hay phi pháp từ các cơ sở đáng sợ này đều đang kích thích nhu cầu thị trường, làm gia tăng hoạt động săn bắt trộm, dẫn tới sự tuyệt chủng của hổ hoang dã. Các nhà hoạt động bảo vệ động vật hy vọng rằng vụ bê bối tại ngôi đền ở Kanchanaburi (Chùa Hổ) tại Thái Lan sẽ có giá trị cảnh tỉnh. Nhưng để chấm dứt hoạt động buôn bán một trong những loài động vật oai vệ nhất thế giới cần phải có một cuộc cách mạng văn hóa khác tại Trung Quốc[13].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảo_tồn_loài_hổ http://m.baonga.com/xa-hoi-nga.nd129/lap-khu-bao-t... http://www.bbc.com/vietnamese/world-38037195 http://www.bbc.com/vietnamese/world-40172102 http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/Scienc... http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc... http://m.anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/loai-ho-o... http://antt.vn/vu-chau-be-bi-ho-vo-nghi-van-nup-bo... http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/vo-doi-tuong... http://baophapluat.vn/du-lich/vi-bao-ve-ho-hang-tr... http://m.baophapluat.vn/quoc-te/mang-luoi-buon-ho-...